mardi 31 octobre 2023

Cuộc phỏng vấn HQ,Đại Úy Trần Kim Diệp

 

Chủ đề: Cuộc phỏng vấn Hải Quân Đại Uý TRẦN KIM DIỆP
Chào Anh CHÂU ,
Tôi đã cố gắng chỉnh sửa nhiều thuật ngữ đàm thoại , nhưng vẫn tôn trọng ý của những Vị đã đặt câu hỏi , tuy nhiên tôi đã hơn 78 tuổi ,trí óc đã kém minh mẩn .
Do đó , để phù hợp với chủ trương của Quý Vị , Ban Điều Hành Toà Công  Lý Việt Nam có
toàn quyền chỉnh sửa hoặc trích dẩn 2 tài liệu BLTHCHS và Đ DTS mà tôi đã gửi .
Chúc Quý Vị thành công trong buổi    vào tháng 04.2023  ở Hoa Thịnh Đốn .
HQ.tkd 

CUỘC PHỎNG VẤN HẢI QUÂN ĐẠI ÚY TRẦN KIM DIỆP

Ông Phan Thanh Châu:

Hôm nay Ban Điều Hành Tòa Công Lý Việt Nam tổ chức cuộc phỏng vấn này nhằm mục đích xác nhận trước công luận quốc tế một cách hùng hồn rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam cùng những tác hại và hệ lụy của Công Hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam ký. Chúng tôi kính mời anh Trần Kim Diệp. Xin anh gởi lời chào đến tất cả quý vị và xin anh giới thiệu đôi nét về cá nhân mình. Xin kính mời anh Hải quân Đại Úy Trần Kim Diệp.

Ông Trần Kim Diệp:

Kính chào tất cả quý vị trong ban tổ chức cũng như tất cả quý vị đang theo dõi cuộc phỏng vấn này. Tôi, Trần Kim Diệp, 77 tuổi, gia nhập Hải quân năm 1966 cấp bực sau cùng của tôi là Hải quân Đại Úy, trưởng Phòng 2, Bộ Tư lệnh Hải Quân vùng I Duyên hải. Rất hân hạnh được trao đổi cùng quý vị.

PTC:Vâng, cảm ơn anh Trn Kim Diệp. Để cho tiện việc, trong thân tình, xin phép Hải quân Đại Úy Trần Kim Diệp, chúng tôi được xưng hô bằng “anh” để tạo được thân tình, thưa anh. Bây giờ, một câu hỏi tôi xin phép được đặt ra trước là:

“Xin anh cho biết duyên cớ nào khiến anh tham gia vào toán của Thiếu tá Phạm Văn Hồng đi thám sát Hoàng Sa, và đã có mặt tại Hoàng Sa trong thời điểm xẩy ra biến cố lịch sử là cuộc hải chiến đẫm máu ngày 19 tháng Giêng năm 1974, thưa anh Trần Kim Diệp?

TKD: Thưa quý vị, ngày 15 tháng Giêng năm 1974, tôi nhận lệnh của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại - Tư lệnh HQ Vùng  I Duyên Hải :”đi công tác Hoàng Sa cùng trong phái đoàn của Thiếu tá Phạm Văn Hồng , 2 Trung Úy Công Binh là Trung Úy Hà ,  Trung Úy Đá thuộc Liên đoàn 8 , Liên Đoàn 10 Công binh , một người Mỹ tên Gerald Kosh thuộc cơ quan DAO - tòa Tổng Lảnh Sự Mỹ ở Đà Nẵng và tôi - đại diện của Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải .

 Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 do HQ.Trung tá Lê.Văn Thự là Hạm Trưởng chở chúng tôi từ Đà Nẵng ra đảo Hoàng  Sa ( Pattle ) nghiên cứu thực địa để thiết lập 1 phi đạo cho vận tải cơ hạng nhẹ C7 Caribou .

PTC:Vâng, cảm ơn anh Trần Kim Diệp. Bây giờ một câu hỏi khác được đặt ra là: “Khi đến Hoàng Sa, trước khi trận hải chiến diễn ra. Anh và những vị trong toán của anh đã có những phát hiện, những nhận xét gì về Hoàng Sa lúc bấy giờ không? Thưa anh.”

TKD: khi gần đến quần đảo Hoàng Sa thì HQ 16 phát hiện trên màn ảnh radar có hai đối vật lạ nên báo cáo về Trung tâm Kiểm Soát Duyên hải Vùng 1 và được lệnh là sau khi đưa chúng tôi lên đảo Hoàng Sa  thì đến nơi có 2 đối vật để kiểm chứng .

Khi chúng tôi lên đảo Hoàng Sa. , thấy  có một cái cầu tàu nhỏ nhưng không còn xử dụng được nữa , một cái đường ray dẩn ra bìa đảo , có lẻ được thiết lập thời bà Ngô Đình Nhu khai thác phốt phát trên đảo để  chuyển phosphate ra cầu tàu .

 Tôi phụ trách về Tình Báo , nên đã đi quan sát khắp đảo , gặp Trung Úy Hy phụ trách trấn thủ đảo và một số anh em ĐPQ  để hỏi tin tức . Vài quân nhân cho biết trước đó có vài người Tàu lên đảo xin nước uống .Tôi  thấy chuyện đó không bình thường vì đi biển thì ai cũng phải chuẩn bị đầy đủ nước để dùng , việc lên đảo xin nuớc chắc là để thám sát tình hình trên đảo.  Tôi có hỏi Trung Úy Hy “ tại sao chuyện lạ như vậy mà không báo cáo về Đà Nẳng “ ,Ông ta nói là máy PRC 25 của ông ta không thể liên lạc xa được. Tôi hỏi ông Phó Ty Khí Tượng là “ hàng ngày liên lạc về ĐN sao không báo cáo việc đó? “  ông trả lời đó là trách nhiệm của Tr. U  Hy , Ông chỉ lo về khí tượng thôi . 

Rõ ràng là  không có hợp tác với nhau do đó đã dẩn đến những bất lợi về sau .

Tôi cũng có quan sát  2 dẫy nhà xây bằng cát vô cơ dành cho 4 nhân viên khí tượng và quân trấn thủ ở , 1bồn xi măng lớn chứa nước ngọt , nếu không có đủ mưa thì tàu Hải Quân phải tiếp tế  nước , 1 cái giếng  , còn cái bia chủ quyền bằng gỗ thiết lập từ 1916 thì tôi không thấy , tóm lại tôi chỉ thấy đường ray, cây cầu , hai dẫy nhà ,  cái bồn chứa nước ngọt thôi .

PTC:Vâng. Cảm ơn anh Diệp. Như vậy thì anh đã chứng kiến được, vào thời điểm đó, Việt Nam Cộng Hòa, mình đã có đơn vị Đia phương quân trấn giữ ở đó, có đài khí tượng và một số những dụng cụ cũng như vật liệu để cung cấp cho đài khí tượng cũng như nước uống cho tất cả những người đang sinh sống tại Hoàng Sa.

Điều này sở dĩ đặt ra là để chứng minh rằng Hoàng Sa là của Việt Nam, thưa anh Trần Kim Diệp. 

Bây giờ xin phép được mời anh có thể tóm lược bối cảnh và diễn tiến trận Hảichiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chúng ta với Hải quân của Trung Cộng diễn ra như thế nào. Thưa anh Trần Kim Diệp.

TKD: Thưa quý vị, như trước tôi có đề cập là khi gần đến quần đảo Hoàng Sa thì HQ 16 phát hiện trên màn ảnh.  radar 2 đối vật và đã báo cáo cho Bộ Tư lệnh Vùng I Duyên hải.

Khi toán thám sát hoàn tất công tác ( anh em công binh chuyên môn thành ra họ làm lẹ lắm )  , HQ-16 đón chúng tôi rồi trực chỉ đến chỗ có 2 đối vật  là 2 ngư  thuyền 402 và 407 của Trung Cộng. Đúng là ngư thuyền nhưng có trang bị súng trên đó , nhìn bằng mắt tôi thấy có một cây thượng liên hoặc đại liên được trùm lại bằng bao su ,   Còn súng cá nhân thì tôi không biết . 

HQ-16 đã dùng quang hiệu, là đánh đèn, kỳ hiệu là đánh cờ bằng tay, thì tàu Trung Cộng không trả lời . Có thể là những  ngư dân TC không biết gì ký hiệu quốc tế nên làm thinh, không trả lời gì hết .

 Ông Hạm trưởng chiếc HQ-16  dùng nhân viên thủy thủ đoàn là người Việt gốc Hoa (người Việt nhưng nói tiếng Hoa được) dùng loa phát sang chiếc ngư thuyền TC  “ đây là đảo và lảnh hải của Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu họ rời đi “ . Thì, họ cũng bắt  loa,nói lại bằng tiếng Tàu rằng nơi đây là của nước Tàu và cũng đuổi mình đi với thái độ thật ngang ngược .

Rồi chiếc Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 đến tăng cường , cũng đã dùng thuỷ thủ gốc Hoa bắt loa yêu cầu tàu TC rời vùng thì chúng cũng dở cái trò cũ , ngoan cố., khiêu khích  .

 Ông hạm trưởng HQ 4 cho húc nhẹ thụng vách tàu gần đài chỉ huy thì chúng sợ , nhổ neo, chạy vô gần đảo , nhưng không đi luôn mà chờ tăng viện .

Tàu mình lớn, đâu có thể vô gần bờ được vì vòng đai san hô .

Mọi diễn biến đều báo cáo về BTL/ V1 DH và Vùng đã tăng viện Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ 5 và Hộ Tống  Hạm Nhật Tảo HQ10 .

 Trung Cộng cũng tăng cường những chiến hạm  , chính mắt tôi thấy là 4 chiến hạm TC :  2chiếc là khu trục hạm cỡ nhỏ Krontad 271 và 274 , hai chiến trục lôi hạm là 396 và 389 , và những tàu chuyển quân , tổng cộng   là 11 chiếc, nhưng tôi chỉ thấy có 6 chiếc thôi.

Thưa quý vị, TC tăng cường tàu, mình cũng tăng cường tàu và hai bên chỉ khai triển đội hình, hàng dọc, hàng ngang thôi.

Lúc đó, súng trên chiến hạm của 2 bên chỉ chĩa trên trời mà chưa chĩa vào nhau , nhưng  tình hình càng ngày càng căng thẳng  thì chắn phải xẩy ra hải chiến. 

Đến ngày 18, lệnh  trên chuyển toán thám sát đi qua Soái hạm HQ-5 .

Đến tối 18 lệnh mới lại chuyển toán thám sát lên đảo Hoàng Sa trừ tôi  là Hải Quân ở lại để phụ giúp cho Ông Đại tá Hà Văn Ngạc - Chỉ huy chiến thuật của 4 chiến hạm ta tham chiến .

Rồi thì Trung Cộng đã đổ quân lên chiếm 2 đảo Quang Hoà và Vĩnh Lạc .

HQ 4 cũng gửi 1 toán thuỷ thủ lên đảo Cam Tuyền ( TC đã cắm cờ , nhưng chưa có bia chủ quyền nguỵ tạo )  .

Tình hình ngày càng căng do tàu TC khiêu khích , rạng ngày 19 tháng Giêng ta gửi toán người Nhái do Thiếu Uý Đơn chỉ huy đổ bộ tái chiếm đảo Quang Hoà đã bị 1 , 2 Đại Đội quân TC chiếm đóng .

Bất lợi của quân ta là từ ngoài biển khơi khơi tiến vào , trong khi trên đảo lính TC đã chuẩn bị công sự phòng thủ . 

Rồi khi đối mặt thì lính TC nổ súng trước hạ gục Th.U Đơn và HS . Trọng Pháo Long . Ta phải rút lui về tàu .

Tôi không nhớ chính xác giờ ( khoảng hơn 10 giờ  )thì  có lệnh  khai hỏa. HQ-4 và HQ-5 bắn đồng loạt vào 2 chiếc 271 và 274 của TC và tàu TC phản pháo . Lúc đầu, họ có vẻ né chiếc Khu Trục Hạm HQ-4, vì tưởng là soái hạm(  thực ra soái hạm là chiếc HQ-5) . 

 HQ-5 và HQ-16 thì có 2 đại bác 127 ly, còn chiếc HQ-4 thì có 2 đại bác 76 ly 2 và tàu HQ-10 có 1 cây súng 76 ly 2. Chiến hạm TC rất e dè chiếc HQ-4 vì chiếc HQ-4  có 2 giàn phóng ngư lôi nhưng thật ra chỉ có cái vỏ thôi chứ máy móc để phóng ngư lôi và ngư lôi Mỹ đã tháo gở hết  .

Tới chừng chúng biết được là cái HQ-4 không có ngư lôi thì tàu TC bắt đầu tấn công dữ dội HQ-4.

Trận hải chiến chỉ kéo dài khoảng vài chục phút thôi, nhưng tàu mình lớn, dềnh dàng, chậm lụt , củ kỷ có từ Đệ nhị Thế chiến và không được  trang bị vũ khí tối tân ,  thành ra thấy thì gồ ghề , ghê gớm lắm nhưng bị nhiều trở ngại như 2 khẩu 76,2 ly của HQ4 chỉ tác xạ vài phút thì hoàn toàn bất khiển dụng .

 Trong khi chiến hạm TC tuy nhỏ hơn , nhưng chạy lẹ, không biết súng ống  của họ có bị có trở ngại gì không, nhưng ta thì luôn bị trở ngại tác xạ (ngay cả khẩu 127 ly của chiếc HQ5 cũng bất khiển dụng ).

Rồi có  lệnh ta vừa đánh vừa chạy về phương Nam để tránh hỏa lực của chiến đấu cơ Mig 21 của Trung Cộng, lệnh  đó tui không biết từ đâu, nhưng lệnh  thì phải thi hành , sau này mới biết là Mỹ báo làTrung Cộng đã gởi nhiều chiến đấu cơ,  tầu ngầm , Komar  tăng viện  nên ta giờ chỉ còn có 3 chiếc bắt buộc phải rút lui nghĩa là vừa đánh vừa lui về phương Nam.

Xin nói sơ với quý vị về Phi Tiễn Đỉnh Komar , loại tầu này chạy nhanh 55 knots ( gần 100 cây số một giờ)  và được trang bị 4 hỏa tiễn Styx - là hỏa tiễn hải-hải, có  tầm sát hại trong vòng 40 cây số. 

Chính vì ngại chiến đấu cơ MiG-21 của Trung Cộng mà mình phải vừa đánh vừa phải lui chiến thuật về phương Nam.

Qua sách , báo quý vị đã biết là chiếc HQ-10  của ta bị chìm , 24 người đào thoát trên 4 bè cấp cứu , cuối cùng được tàu Hòa Lan vớt . Tổn thất về nhân mạng của ta , tổng cộng  có 74 chiến sĩ HQ đã hy sinh.

PTC:Vâng. Cảm ơn anh Trần Kim Diệp đã tóm tắt lại bối cảnh và diễn tiến của cuộc hải chiến Hoàng Sa. Có một điều rất ngắn gọn xin anh cho biết là anh cùng đi với phái đoàn của anh Thiếu tá Phạm Văn Hồng, là trưởng đoàn, để thám sát, để dự định lên đó để lập một phi đạo để máy bay có thể đáp được, cùng thời gian đó thì diễn ra trận hải chiến Hoàng Sa. Trong khi đó, phái đoàn của anh Phạm Văn Hồng đều bị bắt làm tù binh, nhưng anh là một sĩ quan Vùng I Duyên hải được biệt phái đi cùng với toán đó. Trong lúc, như anh trình bầy, trận hải chiến diễn ra thì quý anh kia ở trên đảo Hoàng Sa, còn anh ở lại chiếc HQ-5, trên soái hạm của Đại tá Hà Văn Ngạc, thì anh lại thoát được. Anh có thể nói sơ qua về điểm này chút xíu, thưa anh Trần Kim Diệp.

TKD: Dạ, trên chiếc HQ 5 cũng có một vài nhân viên chết  nhưng số tôi may đạn né tôi nên tôi không chết và chứng kiến được nhiều việc . 

Đánh nhau  họ bắn mình, mình bắn lại , rồi mình vừa bắn vừa rút về phương Nam nên tôi không bị bắt như anh Thiếu tá Hồng và một số nhân viên khác. 

Tôi trên chiếc HQ 5 về tới Đà Nẵng ngày 20 tháng 01 năm 1974. 

Về đến nơi lập tức tôi được lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu là phải viết 1 bản phúc trình bằng tay, không qua hệ thống tham mưu ( không qua Tư Lệnh , Tư Lệnh Phó &Tham Mưu Trưởng ) mà trao tận tay cho Đại tá Phạm Văn Sơn, Bộ Tổng Tham Mưu, Phòng 5, Khối Quân sử và tôi đã làm điều đó thật tỉ mĩ , nhưng tôi thắc mắc vì sao Bộ Tổng Tham Mưu không chỉ thị cho TL . HQ V1DH , Ông Đại tá Ngạc, hay là.các Hạm Trưởng HQ 4 , HQ5 , HQ16 mà lại chỉ thị cho tôi ? .

PTC:Vâng. Dạ cảm ơn anh Diệp. Theo anh sau trận hải chiến mà Trung Cộng đã tiến chiếm Hoàng Sa, phản ứng của phía Việt Nam Cộng Hòa cũng như của Bc Việt như thế nào trong khi Trung Cộng lấn chiếm quần đảo Hoàng Sa của chúng ta, thưa anh Diệp.

TKD: Tôi là một quân nhân, không dính dấp chính trị và cũng không biết nhiều nhưng sau đó đọc báo ,nghe tin tức, thì biết là liền sau trận hải chiến 19.01.1974 Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng hòa ( Ngoại Trưởng lúc đó là ông Vương Văn Bắc ) đã phản đối ngay trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc và yêu cầu triệu tập Hội đồng Bảo An, nhưng mà Mỹ đã không đáp ứng .

Cái đó là tôi biết qua báo , đài . Còn về  thái độ của MTGPMN ở Trại David  thì khi có một  ký giả phỏng vấn , ông Võ Đông Giang -Phó Trưởng Đoàn thương thuyết của MTGPMN đã trả lời rằng “ chuyện đó Việt Nam sẽ thương lượng với Trung quốc trên tình hữu nghị của hai nước sau này “. Còn thái độ của Bắc Việt thì tôi hoàn toàn không biết .

Sau chiến tranh biên giới năm 1979, tôi đang ở tù ở trại Cải tạo Tân Lập - Vĩnh Phú, “ Trung Ương “ VC có gởi 2 người tới gặp tôi để làm việc về vấn đề Hoàng Sa. Tôi  nói với họ rằng mấy năm nay tôi chỉ lao động, không còn nhớ gì hết  vã lại bản phúc trình của tôi cho BTTM lưu trử ở BTL HQV1DH / P2  ( bản lót giấy carbonne ) không bị thiêu huỷ , họ )( VC) cho biết là đã có trong tay .

Tôi nói là đã quên hết chuyện cũ vã lại  trong bản phúc trình  tôi đã nói rất rõ ràng .

Thấy không khai thác được gì mới họ trả tôi đi lao động .

PTC:Vâng, cảm ơn anh Diệp. Bây giờ xin anh trả lời một câu hỏi sau cùng của cá nhân tôi, còn quý vị khác còn có một số câu hỏi để trao đổi cùng anh. Là một sĩ quan Hải quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau khi Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, với tư cách là một Sĩ quan Hải Quân của Quân lực Việt Nam Cng Hòa, anh có nhận định gì khi Hoàng Sa bị Trung Cộng lấn chiếm không, thưa anh Trần Kim Diệp?

TKD: Thưa với tư cách là một quân nhân với một số những điều hiểu biềt nho nhỏ, việc đầu tiên tôi thấy là 11 triệu tấn phosphate trên đảo Hoàng Sa đã bị  Trung Cộng cướp  mất . Ta cũng mất đài khí tượng 48.860, tức là đài khí tượng hoạt động từ năm 1938 thời Pháp đô hộ rồi tới năm 1954 giao trả lại cho Việt Nam Cộng Hòa và  mình khai thác cho tới 1974,  giờ thì Trung Cộng lấy rồi. ( đài khí tượng này tiên đoán thời tiết trước 48 tiếng để báo cáo cho ĐN  ) . Mình mất hai cái đó là chánh. Ngoài  ra, những hải sản, vùng Hoàng Sa, vùng Biển Đông của mình rất dồi dào, bây giờ cũng lọt vô tay Trung Cộng , đương nhiên, dân của mình sẽ không thể ra ngoài đó  khai thác được nữa .

Đó là 3 điều tôi thấy trước mắt , ngoài ra thời Pháp đô hộ VN thì Vịnh Bắc Việt ,VN sở hữu 2/3 , Tàu chỉ 1/3 . Nay thì VN chỉ còn 1/2 , mất đảo Bạch Long Vĩ và bị TC cấm đủ thứ ( khai thác dầu khí , đánh bắt hải sản ).

Trận chiến tranh biên giới năm 1979 chỉ kéo dài 1 tháng , tuy TC rút quân nhưng chúng đã tàn phá tất cả ở Thái Nguyên, Hòn Gai... và chiếm 16 điểm trong đó có cao điểm núi Lão Sơn .

Ngày nay thì Lào, Kampuchia đã trở thành đàn em của  TC 

Thời Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng lại cho TC làm chủ Tây Nguyên - khai thác Bauxit 

Như vậy là Đông Tây Nam Bắc gì TC cũng nắm , VN giờ nằm trong cái rọ , trước mắt là mình mất 11 triệu tấn phosphate , mất đài khí tượng  68.860 , mất hải sản vùng , chúng sẽ  cướp thêm đường lưỡi bò và mình không còn gì .

PTC:Vâng. Cảm ơn anh chia sẻ những suy nghĩ của anh Trần Kim Diệp, tuy nhiêntrong phần trình bầy, mục đích của chúng ta là làm sao để thấy được cái dã tâm của Trung Cộng đã lấn chiếm phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, đó là quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh trận đó, sự kiện Công Hàm 1958 mà Phạm Văn Đồng ký, nó đã có những tác hại, hệ lụy nào cho đến việc mất Hoàng Sa.

Bây giờ đến phần một số các anh chị khác đặt câu hỏi. Tôi thấy Bác Sĩ Đỗ Văn Hội có đưa tay, xin kính mời Bác Sĩ Đỗ Văn Hội.

Bác Sĩ Đỗ Văn Hội:Vâng, cảm ơn ông Phan Thanh Châu.

Xin chào cựu Đại Úy, chúng tôi với tư cách là một người trong Thẩm phán đoàn, chúng tôi muốn hỏi những cái gì chng minh được, là lúc đó, là vấn đề chủ quyền, thì theo anh Diệp lúc đó, anh ra ngoài, có mặt ở đó, thấy dấu hiệu gì chứng tỏ cái chủ quyền của Trung Cộng hay là của Việt Nam Cộng Hòa. Đây là mình nói nhìn thấy ở trên cặp mắt của anh nhìn thấy. Chúng ta không nói đến chuyện về lịch sử này kia nhưng mà chúng ta nhìn thấy, anh thấy những cái gì chứng tỏ nó là chủ quyền ai, của Trung Cộng hay là của Việt Nam Cộng Hòa. Xin anh cho biết vắn tắt.

Vâng, xin mời anh.

TKD: Dạ, lúc nãy  tôi đã trình bầy rồi,  bây giờ nếu muốn nêu những lý do, tài liệu … để chứng minh về chủ quyền thì với phương tiện truyền thông tiên tiến hiện nay , không  phải chỉ có Việt Nam mà  Hòa Lan, Anh, Pháp,Tây Ban Nha ... văn khố của những nước này cũng có lưu trử  . Vấn đề lịch sử thì rõ ràng nhưng đưa vấn đề ra tòa án quốc tế thì phải là quốc gia thưa quốc gia .

Theo tôi nghĩ, có nhiều người Việt chưa biết, nhất là giới trẻ và những người trên thế giới chẳng quan tâm về chuyện của nước ta .

Cái mà tôi đã thưa rồi, chính mắt tôi thấy là cái đường ray, cái cầu tầu, hai dẫy nhà , đài khí tượng … những công trình  đó phải có tài liệu và ngân quỷ để xây dựng .

Nếu là của TC thì tại sao từ năm 1938 đến 1974 chúng lại để cho ta xử dụng ? .

Còn nếu quý vị muốn biết rõ hơn về những chứng  tích về bia chủ quyền thì xin liên lạc hỏi Đại Tá TQLC Cổ Tấn Tinh  Châu  vì có thời Ông đã trấn đóng ngoài đó .

PTC:Vâng, như vậy câu trả lời cũng đã chứng minh một cách hùng hồn là Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bây giờ tôi thấy có một số vị đang đưa tay, tôi không thấy được tên, thành ra vị nào đang đưa tay đặt câu hỏi xin vui lòng lên tiếng.Nếu được, xin nhờ Bác Sĩ Hưng theo dõi trên hệ thống coi có vị nào đưa tay cần đặt câu hỏi không.

Luật sư Linh Nguyễn:

Dạ, đây là Linh ạ.Xin được hỏi khi Đại Úy lên trên đảo Trường Sa, à Hoàng Sa, Đại Úy nhìn thấy lá cờ gì trên hòn đảo đó không?

TKD: Duy nhất chỉ có cờ của Việt Nam Cộng Hòa . 

Cờ Trung Cộng không hề có trước trận hải chiến ngày 19 tháng Giêng.

LN:Có câu hỏi khác, dạ cảm ơn. Dạ em xin cảm ơn Đại Úy.

PTC:Thưa anh cái đó đã rõ ràng rồi thì anh đã trả lời rất là rõ rồi. Bây giờ xin mời Luật sư Linh có câu hỏi tiếp.

LN:Dạ, em cảm ơn Đại Úy. Xin hỏi khi Đại Úy lên ... quân đội của Tầu lên để xin nước, đó là quân đội của bên Trung Cộng phải không ạ, thưa Đại Úy.

TKD: Thưa đó không phải là quân đội mà  ngư dân. Ngư dân TC lên xin nước, cái đó lúc nãy tôi đã trình bầy rồi, người nào đi biển cũng phải chuẩn bị đủ nước để dùng.  Trường hợp gặp bão tố tàu , ghe  bị chìm thì có thể mất hết nước. Đằng này nó khơi khơi lên đảo để xin nước thì phi lý vô cùng. Nó là ngư dân chứ không phải là lính Tàu đâu. Khi đánh nhau thì mới là lính Tầu còn  đó là ngư dân , nhưng có thể họ là lính Tàu giả làm ngư dân để thám sát mình

LN:Dạ. Như vậy anh nghi là không, chỉ là giả bộ, không phải là ngư dân.

TKD: họ mặc đồ ngư dân không mang súng ống , lên đảo xin nước ,  thành ra đâu thể kết luận họ là lính, nhưng tôi nghĩ là họ thi hành lệnh “ thám sát đảo “

LN:Dạ, thì hắn lên trên bờ như thế như là người khách phải không ạ?

TKD: Dạ.

PTC: Câu hỏi của Luật sư Linh là những người gọi là ngư dân của Trung Cộng lên trên bờ để xin nước đó thì rõ ràng họ là những người ngư dân nhưng mà thực tế ra là nhân viên của Trung Cộng để giả dạng ngư dân để lên thám sát địa hình cũng như sự phòng thủ của Hoàng Sa. Cái đó lần trước anh Phạm Văn Hồng cũng như hiện nay, anh Trần Kim Diệp cũng đã chia sẻ rất là rõ ràng rồi. Bây giờ Luật sư Linh có thêm câu hỏi nào khác nữa không ạ? 

LN:Dạ, xin phép anh là, trên đảo Hoàng Sa lúc đó, năm 1974, anh đặt chân lên hòn đảo đó thì anh có thấy là ngoài Trung Cộng ra, chúng ta có thấy sự hiện diện của Phi Luật Tân ở trong hòn đảo đó không ạ?

TKD: thưa trong chuyến công tác của chúng tôi trên đảo HS không cỏ người TC ( việc họ lên đảo xin nước đã xảy ra trước đó ) còn người Phi Luật Tân thì chỉ có ở trên vài  đảo họ chiếm được thuộc  quần đảo Trường Sa...

LN:Dạ, em xin hỏi nữa là anh có nhìn thấy sự hiện diện của Mã Lai hay không ạ, ở trên hòn đảo Hoàng Sa lúc đó, năm 1974.

TKD: Hoàn toàn chỉ người Việt Nam trên đó.

LN:Dạ, coi như là anh không thấy sư hiện diện của quốc gia Mã Lai phải không thưa anh.

TKD: Dạ không. Không có Mã Lai, Phi Luật Tân gì hết. Chỉ có người Việt Nam ở trên đó thôi.

LN:Dạ, em xin hỏi tiếp, vì lý do chủ quyền nên em phải hỏi những câu này thôi. Anh có nhìn thấy người Tàu Đài Loan hiện diện ở trên hòn đảo đó không? Thưa anh.

TKD: Dạ thưa, không có.

LN:Anh có thấy sự hiện diện của quốc gia Indonesia, Nam Dương, ở đó không ạ?

Ông Trần Kim Diệp: Đảo Hoàng Sa tức là đảo Pattle có người trên đó ở thôi. Những đảo khác, không có người nào ở trên đó hết.

LN:Coi như hoàn toàn, cái đảo mà anh lên là hoàn toàn chỉ có cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa lúc đó mà thôi, phải không ạ, thưa anh?

Ông Trần Kim Diệp: Dạ đúng như vậy. Chỉ có cờ Việt Nam cộng Hòa với 22 lính ĐPQ + ông Trung Úy  Hy  và 4 nhân viên Khí Tượng tổng cộng 27 người .

LN:Dạ, xin cảm ơn anh, vậy thì khi anh nói, em muốn biết sự quan trọng của chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Hoàng Sa và Trường Sa nó có ảnh hưởng gì đối với nền kinh tể và an ninh quốc phòng của đất liền của nước Việt Nam không ạ?

TKD: Thưa là như trên tôi đã trình bầy rồi, đối với tôi, mất Hoàng Sa là mất 11 triệu tấn phosphate, mất đài k tượng, và mất một số tài nguyên về hải sản mà mình không còn khai thác được n���a .

Từ quần đảo Hoàng Sa cho đến Đà Nẵng  170-175 hải lý , nếu nói về vấn đề quốc phòng thì chỉ có hỏa tiễn chạm tới ta thôi .Trung Cộng chiếm HS rồi vẽ thêm đường lưỡi bò nữa thì tới chừng đó ta mới  bị kẹt, bị  bao vây về mặt Đông, nhưng  bị mất Hoàng Sa lúc  đó chủ quyền của ta chưa bị ảnh hưởng nhiều .

PTC:Dạ. Vâng, cảm ơn anh Trần Kim Diệp thì qua những câu hỏi của Luật sư Linh để xác định được là lúc bấy giờ Hoàng Sa không có một quốc gia nào chiếm đóng chỉ ngoại trừ Việt Nam Cộng Hòa chúng ta. Bằng chứng là có một đơn vị của Địa phương quân 22 người và một sỹ quan Trung Úy chỉ huy cùng với một số nhân viên đài khí tượng đang hiện diện ở tại Hoàng Sa. Bên cạnh đó thì về vấn đề khi Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa, ngay lúc bấy giờ, vấn đề an ninh quốc phòng, rõ ràng là chưa có ảnh hưởng trầm trọng và, về vấn đề kinh tế tương đối có những thiệt hại, tương đối nặng nề lúc bấy gi. Nhưng về an ninh quốc phòng, theo như anh Trần Kim Diệp chưa có cái gì nghiêm trọng lắm. Tuy nhiên, bây giờ thì rõ ràng hiện tại Trung Cộng lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa về mặt biển Đông Trung Cộng khống chế, về phía Tây, bên Lào, Campuchia thuộc, coi như tay sai của Trung Cộng, là mặt Tây, rồi mặt Bắc như vậy gần như Việt Nam trong cái gọng kìm của Trung Cộng rồi và tứ bề thọ địch thì có những tác hại rất là nghiêm trọng. Đó là quan điểm mà ai cũng nhìn thấy được.

Bây giờ không biết có vị nào có thêm câu hỏi gì với Đại Úy Trần Kim Diệp hay không? Nếu không, tôi xin phép được mời Bác Sĩ Trần Quốc Hưng chia sẻ đôi điều và sau đó, chúng ta có thể, nếu không còn bất kỳ một câu hỏi nào chúng ta có thể kết thúc buổi phỏng vấn hôm nay. Thưa anh Trần Kim Diệp cũng như Bác Sĩ Trần Quốc Hưng.

Bác Sĩ Trần Quốc Hưng:Vâng. Thưa có phải là anh Giáo sư Phan Thông Hưng có đưa tay phải không ạ? Cũng xin thưa mọi người nếu như ai muốn có câu hỏi, xin bấm cái tay đưa lên và có thể lên tiếng cũng được. Dạ vâng.

Giáo sư Phan Thông Hưng:Dạ, cho tôi hỏi được không?

TQH:Dạ. Mời anh.

PTH:Chào tất cả quý anh chị. Chào Đại Úy Diệp.Tôi là Phan Thông Hưng, có một câu hỏi: Khi Đại Úy, lúc 1974, Đại Úy đi qua đánh ở Hoàng Sa, Trường Sa, Đại Úy có biết về cái Công Hàm 1958 của Phạm Văn Đồng đã ký, hay chưa? Dạ xin hỏi.

TKD: Dạ tôi là một quân nhân thuần túy, tôi không biết những chuyện đó. Chuyện đó thuộc về Bộ Ngoại giao, không có phổ biến .Cái Công Hàm 1958, Phạm Văn Đồng gi cho Chu Ân Lai công nhận chủ quyền của Trung Cộng từ lãnh thổ ra 12 hải lý trong có có cả Đài Loan, Hoàng Sa, họ kêu Tây Sa và Nam Sa, tức là Trường Sa sau này tôi mới biết chớ lúc đó tôi  hoàn toàn không biết gì hết.

PTC: Dạ vâng, như vậy là Giáo sư Hưng đã được trả lời bởi Đại Úy Diệp rõ ràng về Công Hàm 1958 rồi.

PTH :Xin hỏi một câu nữa, trường hợp vậy, lúc đó Đại Úy không biết thời gian gần đây nhứt, có nghĩa là thời gian sau đó, lúc nào Đại Úy mới biết là cái Công Hàm, về cá nhân thôi, không phải về quân đội, lúc nào Đại Úy được biết vấn đề này? Về vấn đề Công Hàm của 1958?

TKD: Cái đó tôi xin lỗi là không thể trả lời chính xác , vã lại  bây giờ cũng lớn tuổi rồi, với thời gian cải tạo lâu dài, trí nhớ đã  sút kém  , nhưng có thể  là sau trận hải chiến Hoàng Sa, vì làm việc ở Phòng 2, tôi đã tìm hiểu qua báo chí , nghe đài … nên  biết chứ trước đó tôi hoàn toàn không biết gì về Công Hàm 1958 của Phạm Văn Đồng hết.

PTC:Vâng, mời Bác Sĩ Hưng.

TQH:Dạ vâng. Xin hỏi tiếp câu của Giáo sưPhan Thông Hưng là nếu như Đại Úytrong vai trò là Đại Úy Hải Quân có trách nhiệm bảo vệ lãnh hải và chủ quyền đt nước, Đại Úy nghĩ như thế nào nếu Đại Úy biết được là có một Công Hàm cho phép ngoại bang có chủ quyền một phần nào đó của lãnh hải và của Biển Đông và ngay cả hòn đảo lúc đó Đại Úy có góp phần vào việc bảo vệ và chứng kiến sự hy sinh của các đồng đội?

TKD: Tôi là một sĩ quan cấp nhỏ không có tầm vóc ... những chuyện lớn như cái Công Hàm 1958 quan trọng cấp độ quốc gia, các Vị như Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao , Bộ trưởng Quốc Phòng , các Tư Lệnh Quân Binh chủng chắc biết, còn tôi, tôi không biết gì hết. 

Tôi chỉ là quân nhân, làm bổn phận mà cấp trên giao cho thôi. 

Sau này thì mình thấy rõ , hệ quả của Công Hàm 1958 là Trung Cộng dùng nó làm cơ sở pháp lý để hợp thức hóa cái mà chúng cướp của ta. .

Trong quý vị nhiều người giỏi luật , thậm chí dù không biết luật cũng hiểu rõ là “ cái mình không sở hữu mà đem cho

người khác thì không có giá trị gì hết “ . Sau hiệp định Genève năm 1954 thì 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của VNCH , nhưng năm 1958 , Phạm văn Đồng - Thủ Tướng Bắc Việt lại đem cống nạp cho TC thì về mặt pháp lý quốc tế 

không có giá trị hết .

TQH:Dạ vâng. Cảm ơn Đại Úy.

PTC:Như vậy có lẽ là trong tất cả quý vị hiện diện hôm nay, không biết quý vị nào còn câu hỏi hay không. Nếu trong trường hợp không có câu hỏi nào thì xin mời Bác Sĩ Trần Quốc Hưng đại diện cho Ban Điều Hành Tòa Công Lý Việt Nam xin có đúc kết ngắn gọn cho buổi Phỏng vấn Hải Quân Đại Úy Trần Kim Diệp hôm nay và sau đó, chúng ta sẽ có lời chào tạm biệt để kết thúc buổi phỏng vấn, thưa Bác Sĩ Trần Quốc Hưng.

TQH:Dạ vâng. Cảm ơn anh Phan Thanh Châu. Cảm ơn Đại Úy Trần Kim Diệp, và cũng cảm ơn quý anh chị, quý vị quan khách đã tham dự buổi phỏng vấn Đại ÚyTrần Kim Diệp ngày hôm nay. Đây là một trong những chương trình phỏng vấn liên tục trong những tuần sắp đến với những nhân chứng có thể góp phần, đóng góp tài liệu và dữ kiện cho tòa án để xác định là Phạm Văn Đồng có hành động phản quốc hay không.

Đó là chuyện mà chúng ta, tòa án đang làm. Cảm ơn Đại Úy đã có mặt ngày hôm nay, cho chúng tôi biết thêm nhiều kiến thức về những diễn biến của cuộc, gọi là cuộc hải chiến nhưng thực sự ra là một cuộc xâm lược của Trung Cộng đối với chủ quyền của đất nước.

Trên phương diện cá nhân, em cũng xin cảm ơn về sự hy sinh của Đại Úy đối với đất nước, đối với dân tộc.

Cũng xin thưa, tuần sau, chúng ta, vào ngày Chủ nhật, 14 tháng 11 sẽ có một cuộc phỏng vấn khác của anh cựu tù nhân lương tâm Đặng Chí Hùng, anh Đặng Chí Hùng cũng sẽ trình bầy về Công Hàm 1958 và những gì anh nghiên cứu được, ảnh hưởng của Công Hàm đó đối với chủ quyền của đất nước như thế nào.

Hôm nay, xin cảm ơn tất cả mọi người và xin nhờ anh Phan Thanh Châu kết thúc buổi họp.

PTC:Vâng. Xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị, đặc biệt xin cảm ơn Hải quân Đại Úy Trần Kim Diệp đã dành thời gian rất quý báu vì anh ở từ rất xa, từ Paris, Pháp quốc đã bỏ thời gian rất là cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày để cùng chúng ta tham dự buổi phỏng vấn mà nó mang một ý nghĩa rất lớn sau này. 

Lần nữa, xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của Hải quân Đại Úy Trần Kim Diệp và tất cả quý vị trong buổi phỏng vấn hôm nay.

Xin trân trọng kính chào tạm biệt tất cả quý vị.